Đền Cặp Tiên hay còn gọi là đền “cô bé cửa suốt” được tạo dựng ở chân núi Tiên, ven bờ biển Bái Tử Long của huyện Vân Đồn, có địa thế thoáng đẹp, rộng rãi, giao thông thủy bộ thuận lợi giữa một vùng sơn thủy hữu tình thuộc Thôn Cặp Tiên xã Đông Xá.
(Giếng Tiên – Tương truyền dùng nước nơi đây sẽ trẻ đẹp, gặp may mắn)
Sở dĩ có tên là Cặp Tiên vì tương truyền xưa kia nơi đây là vùng đất sơn thủy hữu tình, cảnh đẹp thơ mộng và yên tĩnh có hai ông tiên thường xuống đây chơi cờ, ngắm cảnh. Đi theo phục vụ hai vị tiên ông là hai nàng tiên cô, hai nàng thường xuống giếng ở chân núi lấy nước và tắm nên các địa danh nơi đây đều gắn với “tiên” như núi Tiên, vụng Tiên, giếng Tiên, thôn Cặp Tiên. Nên khi xây dựng đền người ta gọi tên theo tên địa danh, có tên là Đền Cặp Tiên. Ngoài tên gọi “Cặp Tiên”, đền còn có tên gọi khác là “Cô bé cửa suốt”. Theo nhân dân trong vùng thì Đền được xây dựng từ thời xa xưa để thờ một vị tiểu thư con gái của Trần Quốc Tảng tuy là tiểu thư khuê các nhưng vị tiểu thư này rất gần gũi với nhân dân trong vùng, chẳng may nàng mất sớm. Nhân dân trong vùng thương tiếc nên đã lập đền thờ gần đền thờ lăng mộ cha nàng. Nên còn gọi là đền “Cô bé cửa suốt”.
Đền Cặp Tiên là một di tích không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn có một sự tích rất hấp dẫn thể hiện trong tên gọi của đền: “Cặp Tiên”. Theo truyền thuyết thì xưa kia ở đỉnh núi này có một tảng đá rộng lớn, bằng phẳng, xung quanh có cây cối sum suê, cỏ hoa đua sắc tạo thành một không gian vừa yên tĩnh, vừa thơ mông. Hằng ngày có hai vị tiên ông thường xuống đây ngắm cảnh, chơi cờ. Đi theo phục vụ hai vị tiên ông là hai nàng tiên xinh đẹp. Khi hai vị tiên ông chơi cờ thì hai nàng tiên cô thường xuống chân núi vui chơi, tắm mát và lấy nước lên núi để đun nước pha trà phục vụ hai vị tiên ông. Nơi hai vị tiên cô lấy nước là một giếng nước ngọt rất nhỏ nhưng nước không bao giờ cạn. Chỗ các cô tiên đứng múc nước sau này lõm xuống vẫn in hình dấu chân. Giếng nước các cô dùng sau này được gọi là “Giếng Tiên” bởi khi nước triều lên thì ngập mặn nhưng khi nước triều rút thì nước giếng lại ngọt trở lại. Đặc biệt trời hanh, nắng hạn, cây cỏ khô cằn thì nước ở đây cũng không bao giờ cạn, dân chài trước khi ra khơi thường đến đây lấy nước ngọt và cầu xin các vị tiên giúp đỡ nên bao giờ cũng gặp may mắn. Tương truyền, mỗi khi du khách đến vãn cảnh Đền, nếu dùng nước giếng Tiên sẽ trẻ đẹp hơn. Bởi vậy, mỗi khi đến thăm Đền du khách không bao giờ bỏ qua giếng Tiên.
(Phương đình – Được xây dựng giữa sân đền, mái lợp ngói mũi hài với hai tầng, tám mái)
Đền Cặp Tiên là nơi vừa thờ những người vị anh hùng dân tộc, những người có công dẹp giặc, khai phát đất đai và vừa thờ Mẫu. Căn cứ vào tượng và đồ thờ tự tại đền Cặp Tiên hiện nay thì đây hội tụ đủ các yếu tố được tôn thờ có thể khẳng định một tín ngưỡng bản địa đã ăn sâu bén rễ trong tâm hồn người Việt. Mẫu được tôn thờ đầu tiên ở đây là Tiên Thiên Thánh Mẫu (tức Mẫu Liễu Hạnh) sau đó theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam họ đã phối thờ cả Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Sơn Lâm để hoàn chỉnh việc thờ cúng các Mẫu theo quan niệm “Thiên địa nhân thể” và cũng là để hoàn chịnh “tam tòa, tứ phủ” và âm dương ngũ hành.
Như vậy, Đền Cặp Tiên là một công trình văn hóa tín ngưỡng mang tính tâm linh được xây dựng khá sớm, có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm hai bái đường và hậu cung; Đền quay hướng Đông Bắc, kết cấu vì kèo chồng rường con nhị, cột được làm bằng gỗ Táu; tường xây gạch đỏ, cửa gỗ kiểu bức bàn, phía trên trổ song thưa, phía dưới ghép gỗ pa nô. Sân Đền lát gạch đỏ, giữa sân xây dựng một Phương đình, mái lợp ngõi mũi hài gồ hai tầng tám mái, diềm mái ghép lá đề. Trong Phương đình đặt một bát hương công đồng lớn bằng chất liệu Đồng. Đền vừa thờ các vị nhân thần theo phong tục thờ cúng tổ tiên, nhớ ơn người có công của nhân dân ta, vừa thờ các vị nhiên thần theo tín ngưỡng dân gian. Xưa kia, Đền đã đã một trong những nơi linh thiêng bậc nhất trong vùng nên đã được quan tâm đầu tư, khang trang. Qua thời gian, Đền vẫn giữ được những nét cơ bản của một công trình kiến trúc cổ truyền thống. Cạnh đó truyền thuyết thần tiên gắn với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng tạo cho nơi đây trở nên hấp dẫn và sinh động, rất phù hợp với du lịch sinh thái.
(Động Sơn Trang- Kết cấu bê tông giả nhũ đá)
Ngoài hai bái đường và hậu cung, Đền còn có Động Sơn Trang mới được xây dựng thêm vào năm 2000, kết cấu của Động được làm theo kiểu bê tông giả nhũ đá, quay hướng Đông Bắc, nội thất của Động được bài trí kiểu đắp gờ xù xì tự nhiên giống như trong hang đá có nhũ rủ xuống tạo thành hai vòm động lớn. Trong Động các tượng thờ được bài trí hài hòa đều khắp không gian hậu cung gồm Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, tượng Nhị vị vương bà và 12 cô Sơn Trang.
Đền Cặp Tiên nằm giữa một vùng cảnh quan thiên nhiên thơ mộng bên bờ Vịnh Bái Tử Long. Theo thường niên, Đền Cặp Tiên được tổ chức khai hội vào ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch và khách hành hương từ mọi miền đất nước về đây thăm quan, dâng lễ rất đông vui nhộn nhịp. Cảnh quan thơ mộng, đền miếu linh thiêng tạo cho con người cảm giác thanh thản như lạc vào một thế giới huyền bí, thanh cao.
(Hàng năm vào những dịp xuân về rất đông du khách đến thăm quan, dâng hương)
Với những giá trị to lớn cả về văn hóa và du lịch của Đền Cặp Tiên, ngày 18/8/2006, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định xếp hạng di tích Đền Cặp Tiên là di tích Kiến trúc nghệ thuật và danh thắng. Ngày 25/12/2017 cùng với Di tích Đền Cửa Ông (Thành phố Cẩm Phả) – Đền Cặp Tiên đã vinh dự được Thủ tướng Chinh phủ ký quyết định xếp hạng di tích Quốc gia Đặc Biệt. Sắp tới vào ngày 18/3 (tức 2/2 âm lịch) sẽ là lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông (TP Cẩm phả) – Đền Cặp Tiên (huyện Vân Đồn).
Cùng với đó, để tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu thăm quan, dâng hương của du khách thập phương và người dân. Ban quản lý Đền Cặp Tiên đã chủ động xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường công tác quản lý lễ hội, tại khu vực Di tích. Cho nên không có hiện tượng đeo bám khách, trộm cắp tài sản, hệ thống hàng quán được sắp xếp đảm bảo mỹ quan. Hy vọng rằng, với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, sơn thủy hữu tình như Đền Cặp Tiên, du khách không chỉ đến lễ vào những dịp xuân về du khách có thể đến đây gửi gắm nỗi niềm, vui chơi giải trí vào những ngày cuối tuần, sau những ngày lao động vất vả mệt mỏi./.