Cụm di tích Đình – Nghè Cẩm Hải ( Xã Cẩm Hải – Thành phố Cẩm Phả – Tỉnh Quảng Ninh) là điểm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nhớ ơn các vị thần cùng thành hoàng có công với làng xã. Cụm di tích gồm hai điểm di tích là đình và nghè Cẩm Hải. Trước năm 1981, Cẩm Hải có tên là Văn Châu nên đình và nghè được gọi theo tên địa danh của xã là đình Văn Châu và nghè Văn Châu. Đình Cẩm Hải tọa lạc trên một quả đồi nhỏ hình mu rùa, thuộc địa phận thôn 3; nghè Cẩm Hải nằm ở trên gò đất thuộc thôn 5, cách TP Hạ Long khoảng 55km.
Cổng Đình Cẩm Hải
Đình làng Cẩm Hải do những người dân Trà Cổ (nay là một phường thuộc thành phố Móng Cái) di cư về xã Cẩm Hải xây dựng từ năm 1980. Đình làng là nơi phụng thờ và tưởng nhớ công lao của 6 vị Thành Hoàng là những người đã có công khai sinh ra vùng đất Trà Cổ xưa.
Đình Cẩm Hải
Theo các đạo sắc phong, thư tịch cổ Hán Nôm mà Viện nghiên cứu Hán Nôm và Đình Cẩm Hải còn lưu giữ, đình Cẩm Hải thờ các vị thành hoàng( gồm cả nhân thần và thiên thần) được thờ cúng tại định Trà Cổ, đình Tràng vĩ. Quá trình nhân dân di cư vào xã Cẩm Hải tiếp tục thờ cúng cho đến nay, bao gồm: Nhân Minh Đại Vương tôn thần; Huyền Quốc Lã Thái Úy Đại Vương tôn thần (tức Lý Thường Kiệt); Không Lộ Đại vương tôn thần (thiền sư Không Lộ), Giác Hải Đại vương tôn thần (thiền sư Giác Hải); Ngọc Sơn Chấn Hải Đại Vương tôn thần; Bạch Điểm Tước Đại Vương tôn thần và Quảng Trạch Đại Vương tôn thần.
Nghè còn được gọi là miếu Cửa Biển vì nghè được xây dựng tại vị trí cửa biển với ý nghĩa trấn ải vùng biển, phù hộ cho người dân ra biển được mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng.
Theo truyền thuyết, phía ngoài cửa biển, nơi bến đậu thuyền bè của dân vạn chài và gia thương thường gặp phải sóng to gió lớn, rất khó làm ăn sinh sống. Các quan bản thổ đã huy động dân dựng lên một miếu nhỏ gọi là nghè thờ các vị đại vương trông coi vạn sự ở cửa biển cầu cho thuyền bè của ngư dân qua lại, làm ăn yên bình.
Tương truyền, có 12 vị Tiên công từ Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) giong thuyền về phương bắc lập nghiệp. Đến vùng biển Móng Cái, họ gặp một cơn bão lớn, thuyền trôi dạt vào vùng đất hoang vu không có bóng người. Cuộc sống ở vùng đất mới cơ cực quá, 6 người trong đoàn người quyết định quay về Đồ Sơn; 6 người khác ở lại, quyết định làm nghề chài lưới đánh cá và đã hình thành nên làng chài Trà Cổ.
Sau này, dân làng tôn 6 vị Tiên công làm Thành Hoàng và thờ tại đình Trà Cổ. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, nhân dân 2 thôn Tràng Vĩ và Tràng Lộ (Trà Cổ, Móng Cái) đã di cư về tuyến sau. Trong quá trình di cư một bộ phận người dân đã an cư, lạc nghiệp tại Văn Châu (nay là xã Cẩm Hải). Năm 1980, thấy quả đồi nhỏ có địa thế, phong thủy đẹp, cảnh sắc sơn thủy hữu tình, dân làng đã chọn làm nơi dựng đình bằng cột gỗ, vách tre, và cắt cử nhau bảo vệ hiện vật gốc của đình Tràng Vĩ mang đến Văn Châu.
Đình Cẩm Hải và nghè Cẩm Hải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong mỗi dịp lễ hội, người ta tổ chức lễ hội cả ở đình và nghè. Các vị thành hoàng làng được rước từ đình ra nghè để làm lễ sau đó lại rước về đình làm lễ đại tế. Sự hình thành của đình – nghè Cẩm Hải gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng có truyền thống lịch sử lâu đời được lưu truyền, gìn giữ. Các vị thành hoàng làng đã được vua Bảo Đại sắc phong và được thờ cúng cho đến ngày nay. Vì vậy, Cụm di tích đình – nghè Cẩm Hải thuộc loại hình di tích lịch sử.
Hằng năm, vào dịp lễ hội đình – nghè Cẩm Hải sẽ có lễ rước các vị thành hoàng, mỗi năm luân phiên rước 1 vị từ đình ra trấn ải tại nghè cùng với Ngọc Sơn Chấn Hải Đại Vương. Đình Cẩm Hải còn mở hội đầu xuân vào mùng 2 tháng Giêng và làm lễ dâng hương cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa. Ngày mùng 10 tháng 8 (âm lịch) dân làng làm lễ giỗ tổ tại đình. Lễ hội chính hằng năm thì diễn ra từ ngày 30 tháng 5 đến hết ngày 2 tháng 6 (âm lịch). Những ngày lễ hội chính, hàng ngàn người từ nhiều nơi lại nô nức kéo về xã Cẩm Hải để chung vui trong lễ hội
Cùng với các nghi lễ rước kiệu trang nghiêm, tại lễ hội còn diễn ra cuộc đua thuyền của các thôn trong xã. Lễ hội đình làng Cẩm Hải cũng thể hiện mong muốn của người dân trong xã về một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, no ấm
Rước kiệu trong hội đình Cẩm Hải năm 2019. (Ảnh tư liệu của UBND xã Cẩm Hải).
Năm 2006, Cụm di tích đình – nghè Cẩm Hải được tu bổ.
Đến năm 2018, đình tiếp tục được tôn tạo với khuôn viên rộng rãi, đáp ứng được nhu cầu trong việc tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di tích. Cụm di tích đình – nghè Cẩm Hải đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 10/6/2019.
Những hiện vật gốc còn lưu giữ trong đình như 6 bản sắc phong có niên đại từ thời vua Bảo Đại và các ngai thờ được nhân dân xã Cẩm Hải gìn giữ trong suốt những năm di cư tránh giặc ngoại xâm. Sự hình thành, tồn tại của Cụm di tích đã chứng tỏ vai trò đối với cư dân địa phương, trở thành một bộ phận khăng khít không thể tách rời của cộng đồng và là một thành tố quan trọng trong bản sắc văn hóa của địa phương.